05 rủi ro khi nhờ người khác đứng tên trên Sổ đỏ
Hiện nay, việc nhờ người khác đứng tên trên sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khá phổ biến. Tuy nhiên, việc này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Trong phạm vi bài viết này Luật Nhân Dân sẽ giúp các bạn tìm hiểu về các rủi ro khi nhờ người khác đứng tên trên Sổ đỏ và làm thế nào để đòi được đất đã nhờ người khác đứng tên, mời các bạn cùng tìm hiểu.
Nội Dung Bài Viết
Quyền của người đứng tên trên sổ đỏ
Trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân, lý do khác nhau mà nhiều người đã nhờ người khác đứng tên trên sổ đỏ. Có thể ví dụ như để trốn tránh các nghĩa vụ về tài sản hoặc thường gặp nhất là trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhờ người thân, bạn bè mua và đứng tên hộ trên giấy chứng nhận Quyền sở hữu đất đai, nhà ở… điều này tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nhiều mâu thuẫn trong xã hội.
Theo quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 thì:
“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”
Theo đó, việc một người đứng tên trên sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là căn cứ để xác định người đó là chủ sở hữu đối với quyền sử dụng đất đó. Người đứng tên trên Sổ đỏ có quyền được chuyển đổi, mua bán, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất… và người chủ thực sự chỉ có thể định đoạt quyền sử dụng đất của mình thông qua người được nhờ đứng tên trên Giấy chứng nhận.
05 rủi ro có thể gặp khi nhờ đứng tên hộ trên Sổ đỏ
Từ các quy định về quyền của người đứng tên trên sổ đó, chúng ta có thể thấy có những rủi ro có thể xảy ra như:
- Người được nhờ nếu có ý định chiếm đoạt sẽ không chịu sang tên lại, trả lại tài sản, phủ nhận giao dịch nhờ đứng tên và sẽ xảy ra tranh chấp.
- Khi Nhà nước thu hồi đất nếu đủ điều kiện được bồi thường thì người được nhờ đứng tên trên Giấy chứng nhận là người được bồi thường (được ghi tên trong quyết định bồi thường).
- Người đứng tên trên Giấy chứng nhận chết thì nhà đất khi đó sẽ là di sản thừa kế. Nếu người thừa kế không thừa nhận hoặc không biết nguồn gốc nhà đất là do được “nhờ” đứng tên thì khi đó dễ xảy ra tranh chấp.
- Nếu người chủ thực sự chết thì những người thừa kế sẽ không biết hoặc rất khó có cơ sở đòi lại nhà đất.
- Người được nhờ đứng tên nếu có nghĩa vụ tài sản với người thứ ba mà quyền sử dụng đất, nhà ở bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ thì quyền, lợi ích của người nhờ đứng tên sẽ không được đảm bảo, thậm chí bị “mất trắng” nếu không có chứng cứ để chứng minh.
Như vậy, khi xảy ra các trường hợp trên sẽ rất khó để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người nhờ người khác đứng tên trên Sổ đỏ.
Làm thế nào để đòi lại đất đã nhờ người khác đứng tên?
Xét theo góc độ pháp lý, việc nhờ người khác đứng tên trên sổ đỏ là trái với quy định của pháp luật. Vì vậy, về pháp lý, người được nhờ đứng tên trên giấy chứng nhận được Nhà nước đã thừa nhận quyền sử dụng/sở hữu đối với nhà, đất, trong khi thực tế họ không phải là chủ dụng/sở hữu thực sự của nhà đất.
Trước tiên, cần tiến hành thỏa thuận lại về việc trả lại quyền sử dụng đất, nếu người được nhờ đứng tên nhất quyết không trả thì phải khởi kiện và nhờ tòa án giải quyết. Khi đó, việc cần làm để đòi lại đất là phải chứng minh được mình là chủ sở hữu nhà thật sự, và đương nhiên việc này khá là khó nếu không có những bằng chứng thuyết phục.
Trường hợp 2 bên có thỏa thuận về việc nhờ đứng tên hộ bằng văn bản thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết tuyên bố việc nhờ đứng tên hộ là giao dịch dân sự vô hiệu khi vi phạm điều cấm của pháp luật.
Trường hợp 2 bên không có thỏa thuận bằng văn bản thì phải có các chứng cứ khác để chứng minh. Ngay cả trong trường hợp bạn chứng minh được mình là chủ sở hữu nhà thật sự thì cũng chịu nhiều thiệt hại về thời gian và tiền bạc trong thời gian tranh chấp.
Vì vậy nếu không muốn gặp rủi ro, bạn không nên nhờ người khác đứng tên trên sổ đỏ khi mua nhà, đất. Khi bắt buộc phải nhờ người đứng tên sổ đỏ, bạn nên cân nhắc kĩ, lập những cam kết, thỏa thuận rõ ràng, giữ những hóa đơn, chứng từ có thể chứng minh bạn là chủ sở hữu nhà thật sự để hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra.
Trên đây là tư vấn của Luật Nhân Dân về việc nhờ người khác đứng tên trên sổ đỏ. Dịch vụ làm sổ đỏ và tư vấn luật đất đai của chúng tôi có thể giúp quý khách giải quyết các tranh chấp đất đai nêu trên. Hãy liên hệ ngay với Dịch vụ luật sư tư vấn của Luật Nhân Dân để được tư vấn chi tiết, nhanh chóng.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!