13 công việc nhân sự cần phải làm tại doanh nghiệp mới thành lập
Một doanh nghiệp mới thành lập thường có rất nhiều các công việc liên quan tới nhân sự, bảo hiểm, kế toán… Dưới đây là những công việc mà nhân sự cần phải thực hiện khi doanh nghiệp mới thành lập mà Luật Nhân Dân đã tổng hợp, mời bạn đọc cùng tìm hiểu.
Nội Dung Bài Viết
Cơ sở pháp luật
- Bộ luật lao động năm 2012;
- Nghị định 03/214/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động về việc làm do Chính phủ ban hành ngày 16 tháng 01 năm 2014;
- Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp do Bộ trưởng Bộ lao động – Thương binh và xã hội ban hành ngày 31 tháng 07 năm 2015;
- Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Nghị định 03/2014/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động về việc làm do Bộ trưởng Bộ lao động – Thương binh và xã hội ban hành ngày 29 tháng 08 năm 2014;
- Thông tư 95/2016/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế do Bộ trưởng Bộ tài chính ban hành ngày 28 tháng 06 năm 2016;
- Luật bảo hiểm xã hội năm 2014;
- Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015;
- Thông tư 53/2016/TT-BLĐTBXH danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ lao động – Thương binh và Xã hội ban hành ngày 28 tháng 12 năm 2016;
- Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hộ, thẻ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành ngày 14 tháng 04 năm 2017;
- Luật Công đoàn năm 2012;
- Nghị định 191/2013/NĐ-CP hướng dẫn về tài chính công đoàn do Chính phủ ban hành ngày 21 tháng 11 năm 2013;
Tổng hợp các công việc nhân sự cần làm khi mới thành lập doanh nghiệp
1) Giao kết hợp đồng với người lao động
Việc giao kết hợp đồng với người lao động là rất quan trọng trước khi nhận người lao động vào làm việc. Cần lưu ý với trường hợp người lao động trong độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi thì doanh nghiệp chỉ có thể giao kết hợp đồng khi có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người đó. Với các loại hợp đồng lao động sau:
– Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
– Hợp đồng lao động xác định thời hạn;
– Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
2) Báo cáo sử dụng lao động
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 03/214/NĐ-CP thì doanh nghiệp cần khai báo việc sử dụng lao động với Phòng Lao động Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động.
3) Thông báo số lao động làm việc
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH doanh nghiệp cần thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc về số lao động làm việc tại đơn vị trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập.
4) Lập sổ quản lý lao động
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH, doanh nghiệp cần lập sổ quản lý lao động nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động. Sổ quản lý lao động cần thể hiện được các nội dung sau đây:
– Họ và tên, giới tính, năm sinh, quốc tịch, địa chỉ, số chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu);
– Trình độ chuyên môn kỹ thuật;
– Bậc trình độ kỹ năng nghề;
– Vị trí việc làm;
– Loại hợp đồng lao động;
– Thời điểm bắt đầu làm việc;
– Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;
– Tiền lương;
– Nâng bậc, nâng lương;
– Số ngày nghỉ trong năm, lý do;
– Số giờ làm thêm (vào ngày thường, nghỉ hàng tuần, nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, tết);
– Hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;
– Học nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề;
– Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất;…
5) Xây dựng thang lương, bảng lương
Theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Lao động 2012 thì doanh nghiệp cần xây dựng thang bảng lương, đây là cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.
6) Ký kết và thông báo thỏa ước lao động tập thể
Theo quy định tại Mục 3, Mục 4 chương V Bộ luật Lao động 2012, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký kết, doanh nghiệp gửi 01 bản thỏa ước lao động tập thể đến Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở.
7) Xây dựng nội quy lao động
Theo quy định tại Điều 119 Bộ luật lao động năm 2012, đối với doanh nghiệp sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải xây dựng nội quy lao động bằng văn bản trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành nội quy lao động, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi đăng ký kinh doanh , thể hiện được các nội dung sau đây:
– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
– Trật tự tại nơi làm việc;
– An toàn lao động, vệ sinh lao động ở nơi làm việc;
– Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;
– Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất.
8) Đăng ký mã số thuế cá nhân cho người lao động
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 95/2016/TT-BTC, doanh nghiệp khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của người lao động trước khi trả tiền lương, tiền công trong trường hợp có thu nhập đến mức phải nộp thuế.
9) Đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lần đầu
Theo quy định tại Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì doanh nghiệp sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp có trách nhiệm đăng ký tham gia các loại bảo hiểm khi ký kết hợp đồng lao động.
10) Khai báo các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động (nếu có)
Theo quy định tại Điều 30 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015. đối với các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng bởi tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
Lưu ý rằng, khi sử dụng, doanh nghiệp cần phải khai báo với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại nơi sử dụng.
11) Nộp tiền bảo hiểm hàng tháng
Sau khi đăng ký tham gia các loại bảo hiểm cho người lao động, hàng tháng, doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng tiền bảo hiểm cho cơ quan bảo hiểm xã hội với tỷ lệ theo quy định trong thời hạn chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng nếu đóng hàng tháng hoặc ngày cuối cùng của phương thức đóng nếu đóng 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.
12) Thành lập công đoàn cơ sở (nếu có)
Theo quy định tại Điều 6 Luật công đoàn năm 2012 thì khi có mong muốn thành lập công đoàn thì người lao động trong doanh nghiệp phải tổ chức Ban vận động thành lập công đoàn và liên hệ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để được hướng dẫn, giúp đỡ và hỗ trợ trong việc thành lập công đoàn.
13) Nộp kinh phí công đoàn hàng tháng
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP đối với các doanh nghiệp mỗi tháng đều phải nộp kinh phí công đoàn với mức 2% của quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Trên đây là những chia sẻ của Luật Nhân dân Việt Nam về Các công việc nhân sự cần phải làm khi một doanh nghiệp mới thành lập. Nếu còn những vướng mắc cần giải đáp hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng, cập nhật những quy định mới theo pháp luật hiện hành.
Thông tin liên hệ:
Địa chỉ trụ sở chính: CÔNG TY LUẬT NHÂN DÂN VIỆT NAM
Số 16, ngõ 84 Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội
Hotline tư vấn pháp luật miễn phí:
Mobile: 0966.498.666 – Tel: 02462.587.666
Email: luatnhandan@gmail.com
Tác giả: Luật sư Nguyễn Anh Văn
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!