6 điều cần biết trước khi khởi kiện tranh chấp đất đai
Tranh chấp đất đai là vấn đề diễn ra liên tục, phổ biến hiện nay, theo đó thủ tục giải quyết theo quy định, đôi khi việc giải quyết tốn rất nhiều thời gian và công sức. Luật Nhân Dân xin chia sẻ tới bạn đọc về những điều mà người dân cần biết trước khi thực hiện việc khởi kiện đất đai trước cơ quan có thẩm quyền, mời bạn đọc cùng tham khảo.
Nội Dung Bài Viết
Cơ sở pháp lý
- Luật đất đai năm 2013;
- Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn quy định tại khoản q và khoản 3 điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án do Hội đồng Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 05 tháng 05 năm 2017;
- Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
- Nghị quyết 326/216/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 30 tháng 12 năm 2016;
6 điều người dân cần biết trước khi khởi kiện tranh chấp đất đai
+ Thứ nhất, cần hiểu được thế nào là tranh chấp đất đai
– Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Luật Đất đai 2013: “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”.
– Thường nhầm lẫn giữa tranh chấp đất đai và tranh chấp liên quan đến đất đai. Việc xác định được chính xác tranh chấp đất đai sẽ xác định được ai là người có quyền sử dụng đất bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất nếu muốn khởi kiện.
+ Thứ hai, cần phải hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã trước khi khởi kiện.
– Theo quy định tại khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013, cá bên nếu không tự hòa giải được thì gửi đơn đến ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để được hòa giải.
– Khoản 2 điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, quy định rằng “Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 bộ luật tố tụng dân sự năm 2015”
Các tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,…không bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã.
Do đó có thể hiểu rằng chỉ tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mới bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất.
+ Thứ ba, cần xem xét về khả năng thắng kiện
– Các bên cần phải xem xét khả năng thắng kiện bởi vì trường hợp nguyên đơn thua kiện thì sẽ phải mất án phí; và thời gian khởi kiện để giải quyết tranh chấp đất đai thường kéo dài.
– Để có thể thắng kiện thì cần xem xét, đánh giá và có chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khi khởi kiện tranh chấp đất đai. Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, để đảm bảo được tính pháp lý của chứng cứ thì phải có 03 thuộc tính sau đây:
- Tính khách quan (có thật);
- Tính liên quan đến tình tiết vụ án;
- Tính hợp pháp.
+ Thứ tư, cần nộp đơn khởi kiện đúng tòa có thẩm quyền
– Cần phải nộp đơn khởi kiện đúng tòa án có thẩm quyền, theo quy định tại Bộ luật tố tụng Dân sư năm 2015, thẩm quyền của Tòa án gồm có: Thẩm quyền theo loại việc, thẩm quyền theo cấp và thẩm quyền theo lãnh thổ.
+ Thứ năm, mức án phí khi khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai
Mức án phí dân sự sơ thẩm trong khởi kiện vụ án tranh chấp đất đai được quy định tại Danh mục án phí ban hành kèm theo Nghị quyết 326/216/UBTVQH14, cụ thể như sau:
STT | Án phí dân sự sơ thẩm | Mức án phí |
I | Tranh chấp về dân sự (gồm cả đất đai) không có giá ngạch | 300.000 đồng |
II | Đối với tranh chấp về dân sự có giá ngạch | |
1 | Từ 06 triệu đồng trở xuống | 300.000 đồng |
2 | Từ trên 06 đến 400 triệu đồng | 5% giá trị tài sản có tranh chấp |
3 | Từ trên 400 đến 800 triệu đồng | 20 triệu đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng. |
4 | Từ trên 800 triệu đồng đến 02 tỷ đồng | 36 triệu đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800 triệu đồng. |
5 | Từ trên 02 đến 04 tỷ đồng | 72 triệu đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 02 tỷ đồng. |
6 | Từ trên 04 tỷ đồng | 112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 04 tỷ đồng. |
+ Thứ sáu, thời gian khởi kiện tranh chấp đất đai kéo dài
Theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thời hạn xét xử giai đoạn sơ thẩm được quy định như sau:
– Thời hạn chuẩn bị xét xử tối đa là 06 tháng. Trong đó thời hạn chuẩn bị xét xử là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Riêng vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng.
– Thời hạn đưa vụ án tranh chấp đất đai ra xét xử sơ thẩm (tối đa không quá 02 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử).
Như vậy có thể thấy thời hạn kể từ ngày thụ lý vụ án đến khi mở phiên tòa sơ thẩm tối đa là 08 tháng, chưa tính đến khoảng thời gian các đương sự hoãn hoặc vụ án bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ.
Trên đây là những chia sẻ của Luật Nhân Dân về 6 điều người dân cần biết trước khi khởi kiện tranh chấp đất đai. Nếu còn những vướng mắc hãy liên hệ với Dịch vụ luật sư giải quyết tranh chấp đất đai nhanh trọn gói của chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng, cập nhật những quy định mới theo quy định pháp luật hiện hành.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!