Bắt giữ người trái pháp luật là gì? Người phạm tội bắt giữ người trái pháp luật bị xử lý thế nào?
Thời gian qua, nước ta đã xảy ra một số vụ việc bắt, giữ người trái pháp luật bị xã hội, dư luận lên án. Vậy bắt giữ người trái pháp luật là gì? Người phạm tội bắt giữ người trái pháp luật bị xử lý thế nào? Cùng Luật Nhân Dân tìm hiểu ở bài viết dưới đây:
Nội Dung Bài Viết
Bắt giữ người trái pháp luật là gì?
Bắt, giữ người trái pháp luật được hiểu là hành vi thực hiện bắt, giam giữ người không đúng với quy định của pháp luật. Là hành vi ngăn cản, tước đoạt sự tự do dịch chuyển thân thể của người khác trái với quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục. Cụ thể:
– Bắt người trái pháp luật là hành vi bắt người mà không có lệnh của người có thẩm quyền, không thuộc trường hợp phạm tội quả tang, không thuộc trường hợp bắt người có lệnh truy nã hoặc có lệnh bắt người nhưng thực hiện không đúng thủ tục.
– Giữ người trái pháp luật là hành vi ra lệnh tạm giữ người không đúng với quy định của pháp luật; giữ người không khi có lệnh của người có thẩm quyền; tạm giữ người quá hạn; giữ người thuộc trường hợp không được tạm giữ.
Các quy định về bắt, giữ người trong các trường hợp cụ thể được quy định tại các văn bản pháp luật theo từng lĩnh vực như Luật Hành chính, Bộ luật Tố tụng hình sự,…
Như vậy, hành vi bắt giữ người trái pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Nhà nước.
Người phạm tội bắt giữ người trái pháp luật bị xử lý thế nào?
Hành vi bắt giữ người trái phép được pháp luật quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:
– Người nào bắt, giữ người trái pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trừ trường hợp phạm tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi tại Điều 153 và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật theo Điều 377.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- Có tổ chức;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Đối với người đang thi hành công vụ;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Đối với 02 người trở lên;
- Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
- Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;
- Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
- Làm người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật chết hoặc tự sát;
- Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân;
- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật 46% trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, người phạm tội bắt, giữ người trái pháp luật có thể bị phạt tù đến 12 năm, cấm đảm nhận chức vụ nhất định đến 05 năm. Đây là mức hình phạt tương đối nghiêm khắc cho những ai xem thường tính mạng, sức khỏe, quyền dân sự bất khả xâm phạm của công dân. Đồng thời, điều luật cũng là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe những ai có ý định đánh ghen, dùng bạo lực để đòi nợ hoặc giải quyết mâu thuẫn cá nhân.
Trên đây là một số thông tin trả lời cho câu hỏi: “Bắt giữ người trái pháp luật là gì? Người phạm tội bắt giữ người trái pháp luật bị xử lý thế nào?”
Liên hệ ngay với Dịch vụ Luật sư tư vấn Luật Hình sự của Luật Nhân Dân để được hỗ trợ các vấn đề pháp lý hình sự một cách chu đáo, nhanh chóng nhất.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!