Chi phí thuê Luật sư như thế nào là hợp lý?
Chi phí thuê Luật sư tư vấn, cách tính thù lao của luật sư như thế nào cũng được rất nhiều người quan tâm. Dưới đây là chia sẻ của Luật Nhân Dân về nguyên tắc tính phí dịch vụ pháp lý thuê luật sư, mời các bạn cùng tìm hiểu.
Nội Dung Bài Viết
Cách tính giá thuê dịch vụ luật sư tư vấn
Luật sư tư vấn sẽ giúp bạn giải đáp những vướng mắc trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, ly hôn, lao động, thương mại, hành chính… Tuỳ vào thoả thuận cụ thể của bạn với Luật sư đó mà khoản tiền mà bạn sẽ trả có thể được tính theo một trong các cách sau đây:
Bảng giá dịch vụ luật sư tư vấn theo giờ: Là cách tính mà theo đó bạn sẽ trả theo một đơn giá cố định cho mỗi giờ làm việc của Luật sư. Ví dụ, bạn cần Luật sư tư vấn 2 giờ về Ly hôn với giá là 500.000 đồng cho mỗi giờ. Thông thường, hình thức này được lựa chọn nếu bạn chỉ cần gặp Luật sư để được tư vấn về một thắc mắc cụ thể nào đó.
Giá luật sư tư vấn trọn gói: Là cách tính mà theo đó bạn sẽ trả một khoản trọn gói cho Luật sư khi Luật sư giải quyết xong vụ việc của bạn. Ví dụ, bạn và Luật sư thoả thuận một khoản giá trọn gói là 7.000.000 đồng cho thủ tục xin giấy phép xây dựng cho căn nhà mà bạn dự định xây.
Giá dịch vụ tư vấn tính theo tỷ lệ % của giá trị vụ việc: Là cách tính mà theo đó bạn sẽ trả cho Luật sư theo một tỷ lệ % nhất định của giá trị vụ việc, giá trị hợp đồng hay giá trị dự án mà bạn thuê Luật sư làm. Ví dụ, bạn và Luật sư thoả thuận khoản giá là 10% giá trị Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu mà bạn ký kết được sau khi bạn được Luật sư tư vấn và đàm phán với đối tác.
Các khoản chi phí thuê luật sư
Chi phí thuê luật sư và nguyên tắc tính phí dịch vụ pháp lý như thế nào? Đầu tiên là chi phí trả thù lao cho Luật sư, đây là chi phí cần phải trả khi khách hàng có nhu cầu thuê Luật sư. Các chi phí liên quan đến chi phí đi lại, sinh hoạt, lưu trú của luật sư khi thực hiện công việc; Chi phí liên hệ công tác; Chi phí Nhà nước; Thuế…là các chi phí mà khách hàng cũng cần lưu ý khi thuê có nhu cầu Luật sư.
– Chi phí Văn phòng: Đây là khoản tiền mà khách hàng phải trả để đảm bảo thực hiện các hoạt động Văn phòng liên quan đến công việc của khách hàng (giấy tờ, sổ sách, điện thoại, các chi phí khác…). Khoản chi phí này thường không lớn và thông thường được tính gộp vào cùng với chi phí đi lại, lưu trú, liên hệ công tác. Tuy nhiên, nếu khách hàng có yêu cầu sẽ tính thành mục riêng.
– Chi phí đi lại, lưu trú, liên hệ công tác: Đây là khoản chi phí mà khách hàng phải trả cho luật sư hoặc chuyên viên tư vấn, bao gồm các chi phí như vé xe ô tô, vé tàu hoả, vé máy bay, tiền ăn, tiền thuê phòng nghỉ… ( Phí cho các phương tiện đi lại và ăn nghỉ mức trung bình ở nơi luật sư, chuyên viên tư vấn đến làm việc). Khách hàng có thể tuỳ chọn thanh toán chi phí đi lại bằng một trong hai cách:
+ Khách hàng và luật sư cùng ước lượng chi phí và thống nhất thanh toán một lần (thông thường khách hàng chọn phương án này).
+ Trước khi đi công tác, luật sư thông báo và khách hàng tạm ứng chi phí với luật sư. Hai bên sẽ quyết toán sau chuyến công tác.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng thu khoản phí này mà có thể có một số dịch vụ hoặc công việc tính trọn gói vào thù lao hoặc có những dịch vụ không tính chi phí này, đặc biệt trong các trường hợp khách hàng thỏa thuận thù lao theo tỷ lệ thì khoản chi phí này sẽ được tính riêng.
– Chi phí Nhà nước: Đây là khoản chi phí Công ty luật thay mặt khách hàng nộp vào Nhà nước, nó có thể bao gồm các lệ phí cấp phép, các khoản tạm ứng án phí, án phí, phí thi hành án, lệ phí …và nói chung các khoản tiền mà cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan tư pháp sẽ thu (có hoá đơn chứng từ). Thông thường, khoản chi phí này khách hàng tự nộp hoặc nhờ Công ty luật nộp thay.
– Thuế: Theo thông lệ chung các báo giá dịch vụ đều không bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Khách hàng có nghĩa vụ thanh toán khoản tiền thuế này bằng 10% giá trị hợp đồng.
Căn cứ và phương thức tính mức thù lao của Luật sư
Thù lao của luật sư là khoản tiền mà khách hàng phải trả cho Luật sư khi tư vấn hoặc tham gia các hoạt động pháp lý khác. Thù lao luật sư được áp dụng trên cơ sở thoả thuận giữa Luật sư với khách hàng và được ghi nhận trong Hợp đồng dịch vụ pháp lý ký kết giữa các bên và theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của Luật Luật sư 2006 sửa đổi năm 2012, căn cứ để tính thù lao và phương thức tính thù lao được quy định tạo Điều 55 như sau:
“ 1. Mức thù lao được tính dựa trên các căn cứ sau đây:
a) Nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý;
b) Thời gian và công sức của luật sư sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý;
c) Kinh nghiệm và uy tín của luật sư.
Thù lao được tính theo các phương thức sau đây:
a) Giờ làm việc của luật sư;
b) Vụ, việc với mức thù lao trọn gói;
c) Vụ, việc với mức thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án;
d) Hợp đồng dài hạn với mức thù lao cố định”.
Như vậy, việc tính chi phí cần trả cho luật sư khi tư vấn hoặc giải quyết các vụ việc pháp lý bao gồm cả các chi phí về lưu trú của luật sư, chi phí đi lại và các loại lệ phí nhà nước(nếu có) là dựa trên sự thảo thuận giữa khách hàng với luật sư và tùy thuộc vào tính chất, nội dung và thời gian của vụ việc pháp lý, tuy nhiên mức thảo thuận này không được vượt quá mức trần thù lao do Chính Phủ quy định. Khi có tranh chấp xảy ra trong việc trả thù lao và chi phí của Luật sư thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
Trên đây là giải đáp của Luật Nhân Dân về chi phí thuê Luật sư như thế nào là hợp lý. Khách hàng khi có vướng mắc về các vấn đề pháp lý có thể liên hệ với dịch vụ luật sư của chúng tôi để được các chuyên viên tư vấn giải đáp miễn phí, các vấn đề pháp lý cần sự trợ giúp của Luật sư sẽ được tính phí theo quy định của pháp luật.
Dạ thưa luật sư em cần luật sư là dùm e đơn ly hôn đơn phương được không ạ do e đang làm an ở xa không thể bỏ được nhưng tình trạng vk ck e đã hon 4năm rồi ạ