Có bắt buộc phải chuyển sang CCCD khi còn CMND không?
Có bắt buộc phải đổi Chứng minh nhân dân (CMND) sang căn cước công dân (CCCD) không? Sau đây hãy cùng Luật Nhân Dân giải đáp những thắc mắc này qua bài viết dưới đây.
Nội Dung Bài Viết
Chứng minh nhân dân và căn cước công dân là gì?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật căn cước công dân năm 2014 quy định Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân.
Theo quy định tại Điều 1 Nghị định 03/VBHN-BCA quy định Chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo quy định, từ 2020 cấp CCCD thống nhất trên cả nước
Thẻ CCCD là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về lai lịch, nhân dạng của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Từ ngày 01/01/2016, khi Luật Căn cước công dân năm 2014 có hiệu lực, việc cấp thẻ CCCD đã được thực hiện ở nhiều địa phương thay vì cấp CMND như trước đây. Cơ quan có thẩm quyền cũng đã chủ trương thực hiện cấp thẻ CCCD trên cả nước theo lộ trình.
Cụ thể, khoản 4 Điều 38 Luật Căn cước công dân quy định:
“Địa phương chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý Căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân để triển khai thi hành theo Luật này thì công tác quản lý công dân vẫn thực hiện theo các quy định của pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực; chậm nhất từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật này”.
Như vậy, theo quy định của Luật Căn cước công dân, kể từ 01/01/2020, tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước thống nhất việc thực hiện cấp CCCD.
Người dân có bắt buộc đổi CMND sang CCCD không?
Mặc dù theo quy định như vậy, nhưng từ khi Luật Căn cước công dân có hiệu lực (01/01/2016) đến nay, đã hơn 04 năm, Bộ Công an vẫn chưa triển khai việc cấp thẻ CCCD đối với tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Được biết, hơn 04 năm qua vẫn chỉ có 16 tỉnh thành triển khai việc thực hiện cấp thẻ CCCD.
Những địa phương chưa triển khai cấp CCCD, khi người dân hỏng, mất CMND vẫn được cấp lại CMND như trước đây.
Khi nào phải đổi sang thẻ căn cước?
Đối với người dân ở các địa phương đã tiến hành cấp thẻ CCCD, CMND đã được cấp trước ngày 01/01/2016 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ CCCD. Không có quy định bắt buộc người dân đang sử dụng CMND chưa hết hạn phải đổi sang CCCD trong năm nay.
Các trường hợp sau phải đổi CMND sang CCCD (hặc đổi CMND mới tại các địa phương chưa cấp CCCD):
– CMND hết hạn;
– Bị mất CMND;
– CMND hư hỏng, không sử dụng được;
– Người thay đổi họ tên, ngày tháng năm sinh;
– Người thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Người có thay đổi đặc điểm nhận dạng;
– Khi công dân có CCCD đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi trừ trường hợp thẻ CCCD được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước tuổi quy định (vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo).
Trên đây là câu trả lời cho câu hỏi :“Có bắt buộc phải chuyển sang CCCD khi còn CMND không?” mà Luật Nhân Dân cung cấp. Hi vọng, câu trả lời này sẽ giúp các bạn giải đáp được những thắc mắc liên quan đến CCCD. Nếu còn vướng mắc hoặc muốn tìm hiểu chi tiết hơn vui lòng liên hệ Luật Nhân Dân để được giải đáp!
Thông tin liên hệ:
Địa chỉ trụ sở chính: CÔNG TY LUẬT NHÂN DÂN VIỆT NAM
Số 16, ngõ 84 Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội
Hotline tư vấn pháp luật miễn phí:
Mobile: 0966.498.666 – Tel: 02462.587.666
Email: luatnhandan@gmail.com
Tác giả: Luật sư Nguyễn Anh Văn
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!