Con từ 7 tuổi có quyền chọn ở với bố hoặc mẹ khi bố mẹ ly hôn không?
Con từ đủ 7 tuổi trở lên có quyền lựa chọn ở với bố hoặc với mẹ khi bố mẹ ly hôn không? Dựa vào các tiêu chí nào để tòa án xem xét và đánh giá quyền nuôi con của các bên (vợ và chồng)? Bài viết dưới đây Luật Nhân Dân sẽ giải đáp cho bạn những thắc mắc này, mời các bạn cùng tìm hiểu.
Nội Dung Bài Viết
Ly hôn là gì?
Theo khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 nêu rõ: Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Tòa án là cơ quan duy nhất có trách nhiệm ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng. Phán quyết ly hôn của Tòa án thể hiện dưới hai hình thức: bản án hoặc quyết định.
Nếu hai bên vợ chồng thuận tình ly hôn thỏa thuận với nhau giải quyết được tất cả các nội dung quan hệ vợ chồng khi ly hôn thì Tòa án công nhận ra phán quyết dưới hình thức là quyết định. Còn nếu vợ chồng có mâu thuẫn, tranh chấp thì Tòa án ra phán quyết dưới dạng bản án ly hôn.
Ai có quyền nuôi con 7 tuổi khi ly hôn?
Khi cuộc sống hôn nhân của vợ chồng đã dẫn đến trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt, hôn nhân không thể kéo dài thì vợ chồng có thể tìm cách giải thoát cho nhau bằng cách ly hôn. Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình có 02 trường hợp ly hôn là:
– Ly hôn thuận tình (Quy định tại điều 55, Luật hôn nhân và gia đình 2014)
– Ly hôn đơn phương (ly hôn theo yêu cầu một bên)Quy định tại điều 56, Luật hôn nhân và gia đình 2014
Trong cả hai trường hợp ly hôn nêu trên thường vợ chồng vẫn xảy ra tranh chấp với nhau về quyền nuôi con và tài sản chung. Cụ thể khi vợ chồng tranh chấp với nhau về quyền nuôi con thì Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về các độ tuổi của con như sau:
“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
- Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
- Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Căn cứ theo quy định trên có thể thấy:
– Con dưới 36 tháng tuổi (dưới 3 tuổi): Sẽ giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện nuôi.
– Con từ đủ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi: Căn cứ vào quyền lợi mọi mặt dành cho con (trong đó có mặt vật chất (điều kiện kinh tế của bố hoặc mẹ…) và tinh thần (tình cảm dành cho con….).
– Con từ đủ 7 tuổi trở lên: Trường hợp này phải xem xét nguyện vọng của con.
Khi con đủ 7 tuổi để Tòa án xem xét nguyện vọng của con thì con cần viết đơn trình bày nguyện vọng đó của con cho Tòa án, để Tòa án xem xét và giải quyết nguyện vọng đó.
Như vậy: Khi vợ chồng ly hôn mà có con chung đủ 7 tuổi trở lên thì Tòa án bắt buộc phải xem xét nguyện vọng của con. Việc này chỉ là xem xét (có nghĩa là tham khảo) còn cần xem xét cả điều kiện của người trực tiếp nuôi theo nguyện vọng đó của con. Nếu đáp ứng đủ các nhu cầu cơ bản của con và nguyện vọng của con thì Tòa án có thể quyết định người đó là người trực tiếp nuôi con.
Khi con đủ 7 tuổi trở lên mà bố mẹ ly hôn thì con có thể làm đơn trình bày của mình gửi lên Tòa án để Tòa án xem xét nguyện vọng của con.
Về đơn trình bày nguyện vọng chọn người nuôi dưỡng
Thông thường, Tòa án sẽ cho con từ đủ 07 tuổi trở lên trình bày nguyện vọng được sống cùng ai khi cha mẹ ly hôn bằng văn bản. Do mẫu đơn này không có mẫu sẵn nên văn bản thường được viết tay hoặc đánh máy và cho con ký vào. Một văn bản trình bày nguyện vọng chọn người nuôi dưỡng cần phải có đầy đủ các nội dung sau:
– Tên đơn.
– Kính gửi tới ai?
– Họ và tên người có nguyện vọng cần trình bày, ngày tháng năm sinh.
– Địa chỉ sinh sống.
– Là con của bố (họ và tên của bố) và mẹ (họ và tên của mẹ)
– Nội dung trình bày ngắn gọn như hiện tại đang sống ở đâu? sống với ai? trong trường hợp bố mẹ ly hôn thì muốn được sống với ai?
– Chữ ký của người có nguyện vọng cần trình bày.
Xem thêm: Đơn trình bày nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi khi cha mẹ ly hôn
Trên đây là những chia sẻ về Con từ 7 tuổi có quyền chọn ở với bố hoặc mẹ khi bố mẹ ly hôn không, hi vọng sẽ hữu ích với bạn. Nếu còn bất kỳ câu hỏi nào hay đang gặp vướng mắc pháp luật cần tư vấn, vui lòng liên hệ với Dịch vụ ly hôn của Luật Nhân Dân để được hỗ trợ giải đáp nhanh nhất.