Loạn luân là gì, căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự tội loạn luân?
Chúng ta vẫn thường hay nghe nói về hành vi loạn luân trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vậy hiểu chính xác thì loạn luân là gì? và căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự tội loạn luân như thế nào? Cùng tìm hiểu với Luật Nhân Dân qua bài viết dưới đây:
Nội Dung Bài Viết
Loạn luân là gì?
Loạn luân là hành vi giao cấu giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa anh chị em cùng cha mẹ, giữa anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Hành vi này xâm phạm nghiêm trọng đến các giá trị đạo đức mang tính nền tảng trong mối quan hệ gia đình cũng như xã hội. Ngoài ra, hành vi loạn luân còn gây ra những ảnh hưởng đặc biệt tiêu cực tới sự phát triển của giống nòi do các đặc điểm về di truyền học.
Nhận thấy Loạn luân là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng quan hệ gia đình. Bộ Luật Hình sự 2015 đã quy định hành vi này là một loại tội phạm.
Theo đó, Điều 184 quy định:
“Tội loạn luân: Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự tội loạn luân?
Căn cứ Mục 6 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA- TANDTC-VKSNDTC quy định như sau:
– Loạn luân là việc giao cấu giữa cha, mẹ với con; giữa ông, bà với cháu nội, cháu ngoại; giữa anh chị em cùng cha mẹ; giữa anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.
– Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội loạn luân cần phải xác định rõ hành vi giao cấu là thuận tình, không có dấu hiệu dùng vũ lực hoặc cưỡng ép và được thực hiện với người từ đủ 16 tuổi trở lên. Trong trường hợp tuy hành vi giao cấu giữa những người nói trên là thuận tình, nhưng nếu hành vi đó được thực hiện đối với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội loạn luân mà phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cấu với trẻ em (điểm c khoản 2 Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015),
Như vậy:
– Về hành vi:
Người phạm tội phải có hành vi giao cấu với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.
Người cùng dòng máu về trực hệ là: Giữa cha mẹ với con cái, giữa ông bà nội, ngoại với cháu.
+ Tội phạm hoàn thành kể từ khi hai người nam và người nữ có cùng dòng máu trực hệ thực hiện hành vi giao cấu. Hậu quả của hành vi loạn luân không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.
+ Hành vi giao cấu giữa con nuôi đối với cha mẹ nuôi; cháu nuôi đối với ông bà nội ngoại; cha chồng với con dâu; mẹ vợ với con rể; cha dượng với con riêng của vợ; mẹ kế với con riêng của chồng thì không cấu thành tội này.
– Lỗi:
Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý (biết rõ, mong muốn và thuận tình giao cấu với người có cùng huyết thống).
– Chủ thể:
Chủ thể của tội loạn luân là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và có quan hệ huyết thống với nhau.
Chủ thể của tội phạm phải là hai người khác giới cùng dòng máu trực hệ có hành vi giao cấu với nhau. Nếu họ đều là nam cùng dòng máu trực hệ có hành vi kích dục nhau như giao cấu vào hậu môn của nhau, thì không phạm vào tội này.
Trên đây là toàn bộ giải thích Loạn luân là gì và căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự tội loạn luân. Nếu có bất kỳ khó khăn vướng mắc về pháp luật hình sự nào hãy liên hệ ngay với dịch vụ luật sư tư vấn của Luật Nhân Dân để được tư vấn cụ thể.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!