Những điều cần lưu ý khi ủy quyền mua bán, chuyển nhượng nhà đất
Khi mua bán, chuyển nhượng nhà đất, nếu chủ sở hữu không thể trực tiếp thực hiện được giao dịch thì có thể thông qua hình thức ủy quyền. Việc ủy quyền khi mua bán, chuyển nhượng nhà đất cần tuân theo quy định của pháp luật. Dưới đây Luật Nhân Dân xin chia sẻ tới bạn đọc về những lưu ý khi thực hiện ủy quyền mua bán, chuyển nhượng nhà đất, mời các bạn cùng tìm hiểu.
Nội Dung Bài Viết
Cơ sở pháp lý
- Luật Công chứng năm 2014;
- Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng từ bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch do Chính phủ ban hành ngày 16 tháng 02 năm 2015;
- Bộ luật dân sự năm 2015;
- Nghị định 29/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Công chứng do Chính phủ ban hành ngày 15 tháng 03 năm 2015;
Hình thức ủy quyền khi mua bán – chuyển nhượng nhà đất
Hiện nay, Luật đất đai năm 2013 và Luật công chứng năm 2014 chưa có quy định rõ ràng về hình thức ủy quyền khi mua bán nhà đất. Có thể hiểu rằng, ủy quyền là việc một người thay mặt người khác thực hiện công việc theo thỏa thuận.
Liên quan tới vấn đề này, theo quy định tại Khoản 4 Điều 25 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì không được phép chứng thực chữ ký với hợp đồng ủy quyền liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.
Bởi trên thực tế, các giao dịch đất đai, nhà cửa thường tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ phát sinh những tranh chấp rất khó có thể giải quyết, như vậy, để đảm bảo được tính pháp lý cũng như hạn chế được mức thấp nhất trong giao dịch này thì cần lập hợp đồng ủy quyền có công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng.
+ Hồ sơ khi thực hiện công chứng ủy quyền. Theo quy định tại Điều 40 Luật Công chứng và Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP yêu cầu hồ sơ yêu cầu công chứng hoặc chứng thực được lập thành 01 bộ, gồm các giấy tờ sau đây:
- Phiếu yêu cầu công chứng (đối với trường hợp công chứng);
- Dự thảo hợp đồng, giao dịch;
- Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;
- Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;
- Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.
+ Về thời hạn ủy quyền
Theo quy định tại Điều 563 Bộ luật dân sự năm 2015, thì thời hạn ủy quyền sẽ do Các bên có thể thỏa thuận với nhau hoặc là do pháp luật quy định; trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật cũng không có quy định cụ thể thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.
+ Lựa chọn địa điểm công chứng, chứng thực.
- Theo quy định tại Khoản 6 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, thì việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà ở và quyền của người sử dụng đất được thực hiện tại UBND cấp xã nơi có nhà, đất.
- Đối với viêc công chứng văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với nhà, đất có thể do công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng ngoài phạm vi tỉnh, thành nơi có nhà, đất thực hiện.
- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 55 Luật công chứng năm 2014 và Nghị định 29/2015/NĐ-CP, trong trường hợp bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng để chứng thực thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi cư trú của họ công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.
Trên đây là những chia sẻ của Luật Nhân Dân về Những điều cần lưu ý khi ủy quyền mua bán, chuyển nhượng nhà đất. Nếu còn những vướng mắc hãy liên hệ với Dịch vụ tư vấn mua bán nhà đất, giá thuê luật sư mua bán nhà đất trọn gói của chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng, cập nhật những quy định mới theo quy định pháp luật hiện hành.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!