Các loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất hiện nay ở Việt Nam
Các loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất hiện nay ở Việt Nam gồm các loại hình doanh nghiệp nào? Dưới đây là giải đáp về vấn đề này của Luật Nhân Dân, mời bạn đọc cùng tìm hiểu.
Nội Dung Bài Viết
Doanh nghiệp là gì?
Doanh nghiệp hay công ty được hiểu là tổ chức kinh tế, có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh, đầu tư, hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.
Các loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất hiện nay ở Việt Nam
Hiện nay ở Việt Nam có 7 loại hình doanh nghiệp chính bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, công ty liên doanh, doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã. Trong đó 4 loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.
1. Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH)
Công ty TNHH là Loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất hiện nay bởi nó phù hợp với nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Loại hình công ty TNHH gồm Công ty TNHH 2 thành viên trở lên và Công ty TNHH 1 thành viên.
1.1. Công ty TNHH hai thành viên trở lên
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp, trong đó:
– Thành viên có thể là cá nhân, tổ chức
– Số lượng thành viên không vượt quá 50 thành viên
– Thành viên phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014, đó là: Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp theo khoản 2 Điều 48. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên.
– Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các Điều 52, 53 và 54 Luật Doanh nghiệp 2014.
– Công ty TNHH hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Công ty TNHH hai thành viên trở lên không được quyền phát hành cổ phần.
1.2. Công ty TNHH một thành viên
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
Công ty TNHH một thành viên là loại hình doanh nghiệp do 1 tổ chức hoặc 1 cá nhân làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi của số vốn điều lệ.
– Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Công ty TNHH một thành viên sẽ không được quyền phát hành cổ phần.
– Công ty TNHH một thành viên do chủ sở hữu công ty toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty. Chủ sở hữu công ty có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác, chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
2. Công ty cổ phần
Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
– Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần
– Cổ đông có thể là cá nhân, tổ chức
– Số lượng cổ đông tối thiểu là 3 và không giới hạn số lượng tối đa
– Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp
– Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật Doanh nghiệp 2014, đó là:
+ Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.
+ Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.
– Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân bắt đầu từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Có quyền phát hành cổ phần các loại để huy động vốn.
3. Công ty hợp danh
Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:
– Phải có ít nhất là 2 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Ngoài các thành viên hợp danh có thể có thành viên góp vốn
– Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty
– Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty
– Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
– Không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
4. Doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
– Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.
– Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
– Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Trên đây là chia sẻ của Luật Nhân Dân về Các loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất hiện nay ở Việt Nam. Nếu còn những vướng mắc về luật doanh nghiệp hãy liên hệ dịch vụ luật sư của Luật Nhân Dân để được giải đáp một cách nhanh chóng, cập nhật những quy định mới nhất của pháp luật hiện hành.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!