Quy định phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tại ngân hàng
Thế nào là phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro? Quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tại ngân hàng như thế nào? Dưới đây là những giải đáp về vấn đề này của Luật Nhân Dân, mời các bạn cùng tìm hiểu.
Nội Dung Bài Viết
Thế nào là phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro?
Phân loại nợ là việc các tổ chức tín dụng căn cứ vào các tiêu chuẩn định tính và định lượng để đánh giá mức độ rủi ro của các khoản vay và các cam kết ngoại bảng, trên cơ sở đó phân loại các khoản nợ vào các nhóm nợ thích hợp.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 22 tháng 4 năm 2005:
Dự phòng rủi ro là khoản tiền được trích lập để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra do khách hàng của tổ chức tín dụng không thực hiện nghĩa vụ theo cam kết. Dự phòng rủi ro được tính theo dư nợ gốc và hạch toán vào chi phí hoạt động của tổ chức tín dụng. Dự phòng rủi ro bao gồm: Dự phòng cụ thể và Dự phòng chung.
Dự phòng cụ thể là khoản tiền được trích lập trên cơ sở phân loại cụ thể các khoản nợ quy định tại Điều 6 hoặc Điều 7 Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra.
Dự phòng chung là khoản tiền được trích lập để dự phòng cho những tổn thất chưa xác định được trong quá trình phân loại nợ và trích lập dự phòng cụ thể và trong các trường hợp khó khăn về tài chính của các tổ chức tín dụng khi chất lượng các khoản nợ suy giảm.
Vậy có thể hiểu phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro là những biện pháp để ngân hàng phòng ngừa rủi ro tín dụng có thể xảy ra do khách hàng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán như đã cam kết.
Phân loại nhóm nợ trong ngân hàng
Ngân hàng thực hiện phân loại nợ theo quy định tại Điều 6 Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN như sau:
Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn)
Bao gồm:
– Các khoản nợ trong hạn mà tổ chức tín dụng đánh giá là có đủ khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi đúng thời hạn
– Các khoản nợ thuộc trường hợp khách hàng trả đầy đủ nợ gốc và lãi theo kỳ hạn đã được cơ cấu lại tối thiểu trong vòng một (01) năm đối với các khoản nợ trung và dài hạn, ba (03) tháng đối với các khoản nợ ngắn hạn và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi đúng thời hạn theo thời hạn đã được cơ cấu lại, tổ chức tín dụng.
Nhóm 2 (Nợ cần chú ý)
Bao gồm:
– Các khoản nợ quá hạn dưới 90 ngày
– Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong hạn theo thời hạn nợ đã cơ cấu lại
– Các khoản nợ khác được phân loại vào nhóm 2 theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 6 Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN
Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn)
Bao gồm:
– Các khoản nợ quá hạn từ 90 đến 180 ngày;
– Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ quá hạn dưới 90 ngày theo thời hạn đã cơ cấu lại;
– Các khoản nợ khác được phân loại vào nhóm 3 theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 6 Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN
Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ)
Bao gồm:
– Các khoản nợ quá hạn từ 181 đến 360 ngày;
– Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ quá hạn từ 90 ngày đến 180 ngày theo thời hạn đã cơ cấu lại;
– Các khoản nợ khác được phân loại vào nhóm 4 theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 6 Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN
Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn)
Bao gồm:
– Các khoản nợ quá hạn trên 360 ngày;
– Các khoản nợ khoanh chờ Chính phủ xử lý.
– Các khoản nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ quá hạn trên 180 ngày theo thời hạn đã được cơ cấu lại;
– Các khoản nợ khác được phân loại vào nhóm 5 theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 6 Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN
Khoản 3 và Khoản 4 Điều 6 Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN:
“3- Trường hợp một khách hàng có nhiều hơn một (01) khoản nợ với tổ chức tín dụng mà có bất kỳ khoản nợ bị chuyển sang nhóm nợ rủi ro cao hơn thì tổ chức tín dụng bắt buộc phải phân loại các khoản nợ còn lại của khách hàng đó vào các nhóm nợ rủi ro cao hơn tương ứng với mức độ rủi ro.
4- Trường hợp các khoản nợ (kể cả các khoản nợ trong hạn và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong hạn theo thời hạn nợ đã cơ cấu lại) mà tổ chức tín dụng có đủ cơ sở để đánh giá là khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm thì tổ chức tín dụng chủ động tự quyết định phân loại các khoản nợ đó vào các nhóm nợ rủi ro cao hơn tương ứng với mức độ rủi ro”.
Thế nào là nợ xấu?
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 2 Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN: Coi là nợ xấu khi các khoản nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5 ở trên.
Trích lập dự phòng rủi ro tại ngân hàng
Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN và Quyết định số 18/2007/QĐ-NHNN quy định về trích lập dự phòng như sau:
Tỷ lệ trích lập dự phòng đối với 5 nhóm nợ
- Nhóm 1: 0%
- Nhóm 2: 5%
- Nhóm 3: 20%
- Nhóm 4: 50%
- Nhóm 5: 100%.
Riêng đối với các khoản nợ khoanh chờ Chính phủ xử lý thì được trích lập dự phòng cụ thể theo khả năng tài chính của tổ chức tín dụng.
-Số tiền dự phòng cụ thể đối với từng khoản nợ được tính theo công thức sau:
R = max {0, (A – C)} x r
Trong đó: R: số tiền dự phòng cụ thể phải trích
A: Số dư nợ gốc của khoản nợ
C: giá trị khấu trừ của tài sản bảo đảm
r: tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể.
1. Trường hợp sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng
Tổ chức tín dụng sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng đối với các khoản nợ trong các trường hợp sau:
– Khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật; cá nhân bị chết hoặc mất tích.
– Các khoản nợ thuộc nhóm 5. Riêng các khoản nợ khoanh chờ Chính phủ xử lý, tổ chức tín dụng được sử dụng dự phòng (nếu có) để xử lý rủi ro tín dụng.
Tổ chức tín dụng thực hiện việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng một quý một lần.
2. Nguyên tắc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro
– Sử dụng dự phòng cụ thể để xử lý rủi ro tín dụng đối với khoản nợ đó
– Phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ: Tổ chức tín dụng phải khẩn trương tiến hành việc phát mại tài sản bảo đảm theo thỏa thuận với khách hàng và theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ
– Trường hợp phát mại tài sản không đủ bù đắp cho rủi ro tín dụng của khoản nợ thì được sử dụng dự phòng chung để xử lý đủ.
Việc tổ chức tín dụng sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng không phải là xóa nợ cho khách hàng. Tổ chức tín dụng và cá nhân có liên quan không được phép thông báo dưới mọi hình thức cho khách hàng biết về việc xử lý rủi ro tín dụng.
Sau khi đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng, tổ chức tín dụng phải chuyển các khoản nợ đã được xử lý rủi ro tín dụng từ hạch toán nội bảng ra hạch toán ngoại bảng để tiếp tục theo dõi và có các biện pháp để thu hồi nợ triệt để.
Sau 5 năm kể từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng, tổ chức tín dụng được xuất toán các khoản nợ đã được xử lý rủi ro tín dụng ra khỏi ngoại bảng. Riêng đối với các ngân hàng thương mại Nhà nước, việc xuất toán chỉ được phép thực hiện khi có đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh đã sử dụng mọi biện pháp thu hồi nợ nhưng không thu được nợ và phải được Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.
Trên đây là chia sẻ của Luật Nhân Dân về Quy định Phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tại ngân hàng. Nếu còn những vướng mắc về lĩnh vực tài chính – ngân hàng hoặc các vấn đề liên quan hãy liên hệ dịch vụ luật sư của Luật Nhân Dân để được giải đáp một cách nhanh chóng, cập nhật những quy định mới nhất của pháp luật hiện hành.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!