Sau khi đã cho con nuôi, cha mẹ đẻ có quyền đòi lại con hay không?
Sau khi đã cho con nuôi, cha mẹ đẻ có quyền đòi lại con hay không là vấn đề mà bất kỳ người nào đang có ý định cho hoặc nhận con nuôi cần biết để có thể đảm bảo các quyền lợi cho cha mẹ nuôi, con nuôi…Cùng Luật Nhân Dân tìm hiểu qua bài viết sau!
Nội Dung Bài Viết
Sự đồng ý của cha mẹ đẻ về việc cho làm con nuôi
Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Quan hệ nhận con nuôi chỉ được xác lập sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký.
Bên cạnh đó, sự đồng ý của cha mẹ đẻ cho làm con nuôi được quy định như sau:
– Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi;
– Người đồng ý cho làm con nuôi phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con sau khi người đó được nhận làm con nuôi.
– Sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.
Có thể thấy, khi cha mẹ đẻ đã cho con làm con nuôi thì phải được tư vấn đầy đủ, hiểu rõ về quyền, lợi ích của mình với con cũng như quyền và lợi ích của cha mẹ nuôi với con nuôi…
Khi nào được thay đổi quyết định nuôi con nuôi?
Trên thực tế đã có khá nhiều trường hợp đã cho con nuôi nhưng khi suy nghĩ lại thì lại muốn đòi lại con hoặc trường hợp thấy cha mẹ nuôi đối xử không tốt với con mình nên muốn đòi lại…
Theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi như sau:
“3. Trường hợp những người liên quan do chưa nhận thức đầy đủ, chưa hiểu rõ những vấn đề được tư vấn hoặc bị ảnh hưởng, tác động bởi yếu tố tâm lý, sức khỏe đã đồng ý cho trẻ em làm con nuôi sau đó muốn thay đổi ý kiến, thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được lấy ý kiến, những người liên quan phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đang giải quyết hồ sơ nuôi con nuôi. Hết thời hạn này, những người liên quan không được thay đổi ý kiến về việc cho trẻ em làm con nuôi.”
Theo đó, nếu cha mẹ đẻ đã có ý kiến về việc cho trẻ em làm con nuôi mà không thay đổi ý kiến đó trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được lấy ý kiến thì cha mẹ đẻ không có quyền thay đổi ý kiến về việc cho trẻ em làm con nuôi nữa, nghĩa là cha mẹ đẻ không có quyền đòi lại con đã được cho làm con nuôi.
Các trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi
Việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
– Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;
– Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;
– Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;
– Vi phạm một trong các quy định như: Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi; phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi; lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số; ông bà nhận cháu làm con nuôi, anh chị em nhận nhau làm con nuôi…
Như vậy, nếu vi phạm các điều nêu trên thì quan hệ nuôi con nuôi sẽ chấm dứt. Trong trường hợp này, quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đẻ được khôi phục.
Trên đây là giải đáp cho câu hỏi: “Sau khi đã cho con nuôi, cha mẹ đẻ có quyền đòi lại con hay không?” của Luật Nhân Dân. Liên hệ với Dịch vụ Luật sư tư vấn của Luật Nhân Dân nếu bạn đang gặp bất kỳ khó khăn, vướng mắc về pháp lý nào. Chúng tôi luôn hỗ trợ tư vấn 24/7, nhanh chóng và tận tình.