Tệ nạn xã hội là gì, tác hại và cách phòng tránh
Nội Dung Bài Viết
Tệ nạn xã hội là gì, nguyên nhân, tác hại của tệ nạn xã hội đối với bản thân, gia đình, xã hội như thế nào? Cần làm gì để phòng tránh tệ nạn xã hội? Bài viết sau đây Luật Nhân Dân sẽ chia sẻ với bạn về vấn đề này, mời các bạn cùng tìm hiểu.
Tệ nạn xã hội là gì?
Tệ nạn xã hội là một hiện tượng xã hội tiêu cực, biểu hiện bằng những hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức xã hội và có dấu hiệu vi phạm pháp luật gây hậu quả xấu đời sống xã hội.
Tệ nạn xã hội hiện nay xảy ra ngày càng nhiều và len lỏi qua từng ngóc ngách của đời sống, ở mọi lĩnh vực và mọi nơi khiến cho cuộc sống con người phải thay đổi theo một guồng quay mới, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân.
Bản chất của tệ nạn xã hội là các hiện tượng trái với bản chất xã hội chủ nghĩa, thuần phong mỹ tục, pháp luật và đạo đức. Tệ nạn xã hội là biểu hiện cụ thể của lối sống vô tổ chức, coi thường các chuẩn mực đạo đức, xã hội và pháp luật, làm tha hóa các giá trị tốt đẹp của phong tục tập quán, văn hóa, phá vỡ tình cảm, hạnh phúc gia đình, phá hoại nhân cách, phẩm giá con người, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, sức khoẻ, giống nòi dân tộc… là con đường nhanh nhất dẫn đến tội phạm.
Tệ nạn xã hội là hiện tượng có tính tiêu cực, phản cảm, trái pháp luật và trái đạo đức. Biểu hiện thông qua các hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội phá vỡ thuần phong mỹ tục, lối sống lành mạnh, tiến bộ trong xã hội, có thể gây những hậu quả nghiêm trọng cho các cá nhân, gia đình và xã hội.
Nguyên nhân dẫn đến tệ nạn xã hội
Tệ nạn xã hội phổ biến với nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng tựu chung lại thì có những nguyên nhân cơ bản sau:
*Nguyên nhân chủ quan:
+ Người dân chưa nhận thức rõ ràng được hành vi, hậu quả của tệ nạn xã hội: Đa phần do chưa biết đến hoặc nhận thức chưa đầy đủ và rõ ràng về hành vi nào là tệ nạn xã hội cũng như tác hại của tệ nạn xã hội.
+ Người dân có lối sống, suy nghĩ lạc hậu: Thể hiện rõ nhất ở tệ nạn mê tín dị đoan và tệ nạn bạo lực gia đình. Nhiều người dân theo phong tục tập quán hoặc theo lối suy nghĩ cổ hủ, duy tâm, thờ cúng và tôn sùng thánh thần một cách thái quá. Đồng thời coi đó là một sự việc bình thường trong cuộc sống chứ như là hành vi chồng chửi bới, đánh đập vợ và con.
*Nguyên nhân khách quan:
+ Do đời sống còn nghèo nàn, khó khăn, nhận thức còn hạn chế;
+ Do chính sách quản lý, điều hành còn nhiều lỗ hổng, các hoạt động phòng, chống, ngăn chặn và hạn chế tệ nạn xã hội đã có nhưng diễn ra chưa triệt để và còn nhiều hạn chế, không bắt kịp với xu hướng phát triển của đời sống xã hội.
Tác hại của tệ nạn xã hội
Tệ nạn xã hội đem lại rất nhiều hệ luỵ và tác hại đến với đời sống của con người. Cụ thể:
– Làm ảnh hưởng đến lối sống văn minh, tự nhiên của con người. Làm tha hoá văn hoá của nhân dân và làm đảo loạn cuộc sống.
– Tệ nạn xã hội kéo theo rất nhiều hệ luỵ và dẫn tới tình trạng cướp, bóc, trộm cắp, các hành vi vi phạm pháp luật. Khi con người có lối sống ưa sẵn và ham chơi sẽ không có khả năng kiếm tiền và thay vào đó là thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật để có tiền vui chơi;
– Về sức khoẻ: Các tệ nạn xã hội có thể gây những tổn thương nghiêm trọng đối với sức khỏe của chính bản thân người tham gia (gây các bệnh về hệ hô hấp, hệ tim mạch, hệ thần kinh đối với người nghiện ma túy…); làm tha hóa về nhân cách, rối loạn về hành vi, rơi vào lối sống buông thả, dễ vi phạm pháp luật và phạm tội.
– Đối với các gia đình có người thân tham gia các tệ nạn xã hội sẽ có thể bị khủng hoảng về mặt tài chính cũng như tinh thần. Ví dụ như tệ nạn cờ bạc sẽ làm phát sinh các mâu thuẫn trong quan hệ hôn nhân – gia đình của những người nghiện cờ bạc, gây sứt mẻ tình cảm, đổ vỡ niềm tin giữa vợ chồng và có thể dẫn tới tình trạng bạo lực gia đình.
– Tệ nạn cờ bạc không những làm mất đi thời gian, tiền bạc của người lao động mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Thực tế cho thấy, những người thường xuyên tham gia đánh bạc dễ rơi vào lối sống buông thả mất cân đối về kinh tế, nếu tham gia đánh bạc thắng số tiền cũng chỉ sử dụng cho mục đích cá nhân đáp ứng cho lối sống buông thả còn nếu thua dễ túng quẫn dẫn đến những vi phạm pháp luật.
– Tệ nạn xã hội thường có quan hệ chặt chẽ với tội phạm hình sự như các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, các tội phạm về ma túy, các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Đó là biểu hiện của các hiện tượng tiêu cực xã hội và có sự chuyển hoá lẫn nhau.
Cách phòng tránh tệ nạn xã hội
– Nhà nước cần ban hành những văn bản pháp luật với tính răn đe, xử lý mạnh tay hơn nữa, mở rộng hơn nữa;
– Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục hơn nữa trong trường học, gia đình và xã hội để nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là giới trẻ hiện nay;
– Thường xuyên tuần tra, kiểm tra các hoạt động xã hội trên địa bàn địa phương của mình;
– Cả nước cùng chung tay đẩy lùi tệ nạn xã hội vì một tương lai rộng mở và văn minh hơn.
Cập nhật ngày 09/02/2021