Tống đạt là gì? Những vấn đề cơ bản của hoạt động tống đạt
Tống đạt là một công việc rất quan trọng để đảm bảo cho hoạt động tố tụng được thực hiện đúng pháp luật, đảm bảo được quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng. Hãy cùng Luật Nhân Dân tìm hiểu Tống đạt là gì và những vấn đề cơ bản của hoạt động tống đạt.
Nội Dung Bài Viết
Tống đạt là gì?
Trong quá trình tố tụng, các văn bản các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án như thông báo, giấy triệu tập… được gửi đến các đương sự, người có quyền lợi liên quan bằng hoạt động tống đạt.
Theo đó, Tống đạt văn bản được hiểu là việc bàn giao văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng cho đương sự một cách chính thức. Thông qua việc tống đạt văn bản, các bên buộc phải biết tình trạng pháp lý của mình trong một vụ việc cụ thể. Người nhận văn bản được tống đạt phải có trách nhiệm để tiếp nhận (dù muốn hay không) theo một cách bắt buộc.
Có thể thấy, tống đạt có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động tố tụng, nó đảm bảo cho những các đương sự và các tổ chức, cá nhân liên quan có thể tham gia tố tụng đúng quy định, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của mình. Giúp cơ quan tiến hành tố tụng thông báo ý kiến, kết luận của mình đúng đối tượng, đảm bảo pháp luật được thực thi…
Các văn bản tố tụng phải được tống đạt, thông báo bao gồm:
- Bản án của tòa án;
- Quyết định của tòa án;
- Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời của tòa án;
- Các văn bản của cơ quan thi hành án dân sự;
- Quyết định, kết luận của cơ quan tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát…)
…
Cơ quan nào thực hiện tống đạt
Việc tống đạt văn bản tố tụng phải do những người có thẩm quyền thực hiện như:
– Người tiến hành tố tụng, người của cơ quan ban hành văn bản tố tụng được giao nhiệm vụ thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng: Thẩm phán, thư ký tòa án…
– Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người tham gia tố tụng dân sự cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người tham gia tố tụng dân sự làm việc khi Tòa án có yêu cầu.
– Đương sự, người đại diện của đương sự hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong những trường hợp do Bộ luật này quy định.
– Nhân viên tổ chức dịch vụ bưu chính.
– Người có chức năng tống đạt: thừa phát lại…
Ví dụ: Tòa án nhân dân giao cho Thư ký tòa tống đạt Giấy triệu tập tới nơi ở của Ông A (là bị đơn trong một vụ án) để ông có mặt tham dự phiên tòa xét xử vào ngày 11/11/2020. Trong trường hợp này, ông A bắt buộc phải có nghĩa vụ tham gia phiên tòa.
Các hình thức tống đạt là gì?
Việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được thực hiện bằng các phương thức sau đây (Căn cứ Điều 173 Bộ luật tố tụng dân sự 2015):
– Cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc người thứ ba được ủy quyền thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo.
– Cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử theo yêu cầu của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
– Niêm yết công khai, như sau:
- Niêm yết bản chính tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo;
- Niêm yết bản sao tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo;
- Lập biên bản về việc thực hiện thủ tục niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết.
Như vậy, việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được thực hiện theo quy định của trên thì mới được coi là hợp lệ. Mọi người cần chú ý để không bị các người xấu thực hiện các hành vi lừa đảo.
Trên đây là một số thông tin về tống đạt và những vấn đề cơ bản của hoạt động tống đạt. Nếu có bất cứ khó khăn vướng mắc nào liên quan hãy liên hệ với Dịch vụ Luật sư tư vấn Hình sự của Luật Nhân Dân để được tư vấn cụ thể.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!