Mua giấy khám sức khỏe có sẵn, giấy khám sức khỏe giả có thể đi tù
Sử dụng giấy khám sức khỏe giả là việc làm trái quy định của pháp luật. Việc mua giấy khám sức khỏe có sẵn, giấy khám sức khỏe giả bị xử lý như thế nào? Hãy cùng Luật Nhân Dân tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Nội Dung Bài Viết
Giấy khám sức khỏe giả là gì?
Giấy khám sức khỏe là loại giấy tờ không thể thiếu đối với nhiều người nhất là những người đang làm hồ sơ, thủ tục xin việc, thi cử… Để tiết kiệm thời gian, nhiều người đã mua, sử dụng giấy khám sức khỏe giả.
Theo Thông tư 14/2013/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y Tế về Hướng dẫn khám sức khỏe, thủ tục khám sức khỏe (KSK) được thực hiện như sau:
- Người yêu cầu nộp hồ sơ KSK nộp tại cơ sở khám sức khỏe.
- Sau khi nhận được hồ sơ KSK của người yêu cầu, cơ sở KSK thực hiện: Đối chiếu ảnh trong hồ sơ khám sức khỏe với người đến khám sức khỏe; Đóng dấu giáp lai vào ảnh sau khi đã thực hiện việc đối chiếu theo quy định; Kiểm tra, đối chiếu giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu đối với người giám hộ của người được khám sức khỏe
- Sau đó thực hiện việc khám sức khỏe theo quy trình.
- Sau khi phân loại sức khỏe, người kết luận phải ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của cơ sở KSK vào Giấy KSK hoặc Sổ KSK định kỳ (dấu sử dụng trong giao dịch chính thức của cơ sở KSK theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu). Trường hợp người được KSK có yêu cầu cấp nhiều Giấy KSK thì việc đóng dấu được thực hiện sau khi tiến hành nhân bản Giấy KSK theo quy định.
Như vậy, Giấy khám sức khỏe giả là giấy khám sức khỏe có được không theo đúng các trình tự, thủ tục nêu trên; giấy có chữ ký hoặc con dấu của cơ sở khám sức khỏe giả hoặc giấy khám sức khỏe được mua (dù giấy khám sức khỏe đúng là do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp với con dấu và chữ ký chính xác).
Sử dụng, mua giấy khám sức khỏe giả bị phạt như thế nào?
Giấy khám sức khỏe giả có thể giúp người dùng tiết kiệm được thời gian thực hiện các thủ tục nhưng nếu việc sử dụng này bị phát hiện thì người dùng có thể chịu những hệ quả sau:
– Bị xử lý kỷ luật, cách chức, buộc thôi việc, buộc thôi học, không tiếp tục bổ nhiệm hoặc không cho đi học…:
- Đối với công chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng; được dự thi nâng ngạch công chức sẽ bị phạt cảnh cáo. Trường hợp sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ sẽ bị cách chức. Trường hợp sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ bị buộc thôi việc.
- Đối với viên chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng; được dự thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp bị phạt cảnh cáo. Áp dụng hình phạt cách chức đối với viên chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ.
– Bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
Đối với hành vi làm giả giấy khám sức khỏe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 như sau:
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”.
Như vậy, đối với người sử dụng giấy khám sức khỏe giả để thực hiện hành vi trái pháp luật có thể bị phạt tối đa lên đến 07 năm tù giam.
Có thể thấy, thủ tục khám sức khỏe cũng tương đối đơn giản. Ngoài ra còn giúp chúng ta kiểm tra được tình trạng sức khỏe của bản thân. Vì vậy, mọi người không nên thực hiện hành vi mua giấy khám sức khỏe chỉ để tiết kiệm được một ít thời gian mà có thể phải chịu những hệ quả không tốt.
Trên đây là tư vấn của Luật Nhân Dân về việc mua giấy khám sức khỏe giả. Nếu có bất kỳ khó khăn vướng mắc nào liên quan hãy liên hệ ngay với dịch vụ luật sư tư vấn của Luật Nhân Dân để được tư vấn, giải đáp cụ thể.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!