Các dấu hiệu của tội phạm theo quy định của BLHS
Tội phạm là người có những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự. Vậy các dấu hiệu của tội phạm là gì? Dưới đây là giải đáp về vấn đề này của Luật Nhân Dân, mời các bạn cùng tìm hiểu.
Nội Dung Bài Viết
Tội phạm là gì?
Tội phạm được định nghĩa tại Điều 8 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 như sau: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật Hình sự phải bị xử lý hình sự.
Các dấu hiệu cơ bản của tội phạm
Một hành vi được coi là tội phạm khi thỏa mãn đủ 4 dấu hiệu: tính nguy hiểm cho xã hội, tính trái pháp luật hình sự, tính có lỗi, tính phải chịu hình phạt. Cụ thể như sau:
1. Tính nguy hiểm cho xã hội
Tính nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu cơ bản nhất của tội phạm. Đây được coi là dấu hiệu tiên quyết, quyết định các dấu hiệu khác. Một hành vi có đủ 3 dấu hiệu của tội phạm nhưng tính nguy hiểm cho xã hội của nó là không đáng kể thì không bị coi là tội phạm.
Để xác định tính nguy hiểm cho xã hội, thường dựa trên các căn cứ sau:
- Mức độ gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho các quan hệ xã hội
- Tính chất và mức độ lỗi
- Tính chất của quan hệ xã hội bị xâm hại
- Phương pháp, thủ đoạn, phương tiện phạm tội
- Động cơ và mục đích của người phạm tội
- Hoàn cảnh xã hội, nhân thân người phạm tội,…
2. Tính trái pháp luật hình sự
Điều 2 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định:
– Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
– Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội sẽ không bị coi là tội phạm nếu hành vi đó không được quy định trong Bộ luật Hình sự. Nói cách khác, người có hành vi nguy hiểm cho xã hội sẽ không phạm tội nếu pháp luật hình sự không quy định hành vi của người đó.
Tính trái pháp luật là dấu hiệu rất quan trọng của tội phạm. Tính trái pháp luật là căn cứ để đảm bảo quyền lợi của công dân, tránh việc xử lý người tội phạm một cách tùy tiện..
Tính trái pháp luật hình sự và tính nguy hiểm cho xã hội là hai dấu hiệu có mối quan hệ biện chứng với nhau, tính trái pháp luật hình sự là dấu hiệu về mặt hình thức pháp lý phản ánh tính nguy hiểm cho xã hội.
3. Tính có lỗi
Lỗi là thái độ tâm lý chủ quan của con người đối với hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội mà họ thực hiện và đối với hậu quả của hành vi đó dưới hình thức vô ý hoặc cố ý. Bản chất của lỗi thể hiện ở việc người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức được nguy hiểm đó nhưng tự mình lựa chọn và quyết định thực hiện hành vi trong khi có đủ điều kiện để lựa chọn một cách xử sự khác phù hợp với lợi ích của xã hội.
– Lỗi cố ý:
- Lỗi cố ý trực tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra
- Lỗi cố ý gián tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra.
– Lỗi vô ý:
- Lỗi vô ý do quá tự tin: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
- Lỗi vô ý do cẩu thả: Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Nếu chỉ dựa vào hành vi gây thiệt hại cho xã hội sẽ dẫn đến xử phạt không đúng người. Để có thể xử phạt đúng người, đúng tội việc xem xét yếu tố lỗi của người thực hiện hành vi là rất cần thiết.
4. Tính phải chịu hình phạt
Tính phải chịu hình phạt cũng là dấu hiệu đặc trưng của tội phạm. Chỉ có hành vi phạm tội mới phải chịu hình phạt. Hình phạt là cơ chế răn đe, giáo dục người phạm tội.
Tính phải chịu hình phạt là dấu hiệu kèm theo của dấu hiệu tính nguy hiểm cho xã hội và tính trái pháp luật hình sự. Tính nguy hiểm cho xã hội và tính trái pháp luật hình sự là cơ sở để cụ thể hóa tính phải chịu hình phạt của tội phạm. Tính nguy hiểm cho xã hội càng lớn thì hình phạt càng cao.
Trên đây là chia sẻ của Luật Nhân Dân về Các dấu hiệu của tội phạm theo quy định của BLHS. Nếu còn những vướng mắc về luật hình sự hoặc các vấn đề liên quan hãy liên hệ dịch vụ luật sư của Luật Nhân Dân để được giải đáp một cách nhanh chóng, cập nhật những quy định mới nhất của pháp luật hiện hành.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!