Tin báo, tố giác tội phạm là gì? Phân biệt tin báo, tố giác tội phạm
Tố giác và tin báo về tội phạm đều là những cơ sở quan trọng trong hoạt động tố tụng hình sự. Vậy tin báo, tố giác tội phạm là gì và khác nhau như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Nhân Dân sẽ làm rõ cho câu hỏi này.
Nội Dung Bài Viết
Tin báo, tố giác tội phạm là gì?
Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định như sau:
– Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
– Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
Như vậy, tố giác và tin báo về tội phạm đều là những cơ sở để xác định có dấu hiệu tội phạm hay không, là căn cứ để khởi tố vụ án.
Phân biệt tố giác và tin báo về tội phạm
Tiêu chí | Tố giác về tội phạm | Tin báo về tội phạm |
Chủ thể cung cấp | Cá nhân có danh tính, địa chỉ rõ ràng. | Ngoài cá nhân, chủ thể báo tin về tội phạm còn bao gồm cơ quan, tổ chức. |
Yếu tố phát hiện hành vi | Chủ thể phải là người phát hiện, có thể là bị hại hoặc người trực tiếp chứng kiến hành vi có dấu hiệu tội phạm xảy ra. | Chủ thể có thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm như được nghe lại, kể lại, có thông tin từ người khác,… và báo cho cơ quan có thẩm quyền. |
Theo đó, phân biệt tố giác tội phạm và tin báo tội phạm là để bảo đảm cho thông tin về tội phạm được tập trung, xử lý nhanh chóng, bảo đảm việc thực hiện nguyên tắc khách quan trong tố tụng hình sự, đồng thời thuận tiện cho công dân tham gia đấu tranh với tội phạm.
Thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
– Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền phải lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận; có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận.
Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gửi qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận.
– Trường hợp phát hiện tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
– Công an phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
– Các cơ quan, tổ chức khác sau khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm thì chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trường hợp khẩn cấp thì có thể báo tin trực tiếp qua điện thoại hoặc hình thức khác cho Cơ quan điều tra nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản.
– Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận đó cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Trên đây là những nội dung cơ bản về Tin báo, tố giác tội phạm. Nếu có bất cứ vướng mắc nào liên quan đến pháp luật hình sự, hãy liên hệ ngay với Dịch vụ Luật sư của Luật Nhân Dân để được tư vấn kịp thời, hiệu quả.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!